Thi đua yêu nước - Động lực để EVN hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ

Địa chỉ: Bình Đức 3, Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương
Chi nhánh: 978 Tỉnh Lộ 43, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh
Hotline: 0903 14 15 31
Thi đua yêu nước - Động lực để EVN hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ
Ngày đăng: 17/09/2020 05:18 PM

    Trong 5 năm qua (từ năm 2016-2020), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát động và duy trì nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực.


    Điện ra đảo Nhơn Châu. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
     

    Các phong trào thi đua yêu nước của EVN gắn liền với các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao, đã huy động được sức mạnh đoàn kết của trên 100.000 cán bộ, công nhân viên toàn Tập đoàn vượt qua khó khăn, thử thách.

     

    Thi đua gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

     

    Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phát động đợt thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 theo Nghị quyết toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phát động và phối hợp tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi với các hình thức phong phú, đa dạng.

     

    Thi đua gắn liền với chủ đề năm với các phong trào thi đua nổi bật, mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là các phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng”, “Phòng giao dịch khách hàng kiểu mẫu”, “Thực hiện Chương trình tiết kiệm điện”, “Tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán lẻ đến hộ nông thôn”, “Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử”… trong khối các Tổng công ty Điện lực. Hay các phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Trạm biến áp kiểu mẫu”, “Đường dây kiểu mẫu”, “Cải tạo và nâng cấp lưới truyền tải”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất” tại khối các Công ty Truyền tải điện; các phong trào thi đua “Đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả trong đại tu, sửa chữa”... tại các Tổng công ty Phát điện; các phong trào thi đua “Ca trực vận hành an toàn, hiệu quả”, “Tối ưu hóa chi phí, thực hành tiết kiệm”, phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, đảm bảo an toàn” tại các Công ty Thủy điện; phong trào “Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm cấp bách và công trình đồng bộ nguồn điện” tại các Ban Quản lý các dự án...
     

    Đặc biệt, phong trào thi đua nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật phát triển mạnh trong Tập đoàn và các đơn vị là những điểm sáng mới, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ có ảnh hưởng lớn tới việc lựa chọn công nghệ trong quá trình đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

     

    Một số nghiên cứu khoa học tiêu biểu đã được áp dụng rộng rãi mang lại hiệu quả kinh tế lớn tại nhiều đơn vị như: Nghiên cứu thiết kế cửa nhận nước ở Nhà máy thủy điện Sơn La; vệ sinh cách điện lưới phân phối (22-35-10 kV) đang mang điện bằng nước áp lực cao; chương trình huấn luyện công nghệ thi công sửa chữa, bảo trì trên lưới đang mang điện cấp điện áp 15, 22 kV có trung tính nối đất trực tiếp; nghiên cứu về thiết bị điện trở hạn chế dòng ngắn mạch; ứng dụng thiết bị điện tử công suất (SVC); áp dụng công nghệ chẩn đoán trạng thái thiết bị kiểm tra phóng điện cục bộ MBA 220-500kV; giám sát dầu online tại trạm biến áp 500 kV; sửa chữa lưới điện không cần cắt điện... Những nghiên cứu này đã tiết kiệm cho Tập đoàn hàng trăm tỷ đồng. .

     

    Hưởng ứng Chỉ thị phát động thi đua của Tập đoàn, các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn đã tổ chức, phát động nhiều phong trào thi đua giải quyết nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đột xuất của Tập đoàn.

     

    Đặc biệt, các phong trào thi đua nước rút, phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm, nhằm mục tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức tiến độ các công trình trọng điểm, được người lao động tích cực, hăng hái tham gia, tạo ra không khí lao động sôi nổi, trở thành động lực quan trọng đóng góp vào sự thành công của các công trình xây dựng điện trọng điểm, đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội như: Công trình Thủy điện Lai Châu đóng điện 3 tổ máy và tổ chức khánh thành sớm hơn so với tiến độ được phê duyệt 1 năm; phong trào thi đua liên kết xây dựng đường dây 500 kV mạch 3; phong trào thi đua trên công trình Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng; phong trào thi đua trên công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 3 mở rộng; phong trào “Thi đua nước rút các tổ máy số 1, số 2 thuộc Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2 và Nhà máy Thủy điện Trung Sơn phát điện vượt tiến độ, an toàn, chất lượng”; phong trào “Phát huy tinh thần hăng hái thi đua lao động sản xuất, đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện trong các tháng cuối mùa khô năm 2019 và công tác đóng điện nghiệm thu các công trình mới điện mặt trời, điện gió”...

     

    Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”,Tập đoàn đã tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầu tư lưới điện khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa qua các dự án vay vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế WB, ADB, KfW, JICA trên địa bàn hơn 50 tỉnh và từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp điện cho các hộ dân chưa có điện ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng.

     

    Công tác đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi được chú trọng, đặc biệt khu vực chưa có điện. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, các Tổng công ty Điện lực đã chủ động thu xếp các nguồn vốn để đầu tư cấp điện cho hơn 19.700 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Quảng Nam... Đặc biệt tháng 7/2018, Tập đoàn đã đưa điện lưới đến 02 xã cuối cùng chưa có điện trên cả nước (xã Ch’ơm và Tr’Hy huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Kết quả công tác đầu tư đã góp phần cấp điện lưới cho hơn 300 xã chưa có điện và gần 350.000 hộ dân nông thôn chưa có điện.

     

    Bên cạnh đó, các dự án đầu tư lưới điện nông thôn đã góp phần cải thiện chất lượng lưới điện trung, hạ thế nông thôn cho gần 02 triệu hộ dân được cấp điện đảm bảo an toàn và chất lượng. Cùng với đó, Chương trình hỗ trợ của Tập đoàn tại 03 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu đã mang lại hiệu quả trực tiếp đến người dân, góp phần vào thành công chung của công tác giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu. 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ đã có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao (chiếm gần 50% số hộ thoát nghèo của toàn tỉnh Lai Châu).

     

    Tập đoàn cũng đã hỗ trợ xây dựng 8 công trình trường học, trung tâm giáo dục ở các tỉnh Thái Bình, Sơn La, Kon Tum với kinh phí 115 tỷ đồng; xây dựng Nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá lớn C (Trường Sa), công trình phòng tránh thiên tai miền Trung; hỗ trợ trang bị mới thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho bà con nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn...

     

    Có thể nói, nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc đưa điện lưới quốc gia về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân, xoá đói, giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Với những thành tích xuất sắc đạt được, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

     

    Thi đua - động lực quan trọng để EVN hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Kế hoạch 5 năm (2016-2020)

     

    Tập đoàn đã đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện an toàn, ổn định, kinh tế, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Dự kiến đến cuối năm 2020, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam đạt 59.210 MW, trong đó công suất nguồn điện do Công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng công ty Phát điện sở hữu, chi phối là 29.970MW (chiếm 50,6% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống). Hoạt động điều hành hệ thống điện đã đáp ứng nhu cầu và mức tăng trưởng nhu cầu điện của nền kinh tế. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm đạt 9,0%/năm. Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên đầu người của Việt Nam đến năm 2020 dự kiến đạt 2.250 kWh/người, gấp gần 1,44 lần so với năm 2015.
     

    Đầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện cơ bản bám sát tiến độ, hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều công trình quan trọng; hạ tầng điện lực được củng cố nâng cấp để đáp ứng nhu cầu điện cả nước. Về nguồn điện: Tập đoàn đã đưa vào vận hành 11 dự án với tổng công suất 6.093 MW, bằng ~100% khối lượng được giao, trong đó có nhiều dự án vượt tiến độ. Khởi công 05 dự án nguồn điện với tổng công suất 2.380 MW.

     

    Bên cạnh đó, Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào vận hành các dự án nguồn điện mặt trời với tổng công suất 240 MWp; hỗ trợ và phối hợp với các nhà đầu tư đưa vào vận hành gần 100 nhà máy điện gió, mặt trời với tổng công suất trên 5.000 MW để bổ sung nguồn cấp điện quốc gia. Về lưới điện: EVN đã hoàn thành đóng điện 1.120 công trình lưới điện từ 110-500 kV; đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của hệ thống, trong đó đã khởi công nhiều công trình quan trọng như: Đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, đưa vào vận hành các công trình lưới điện đồng bộ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Thái Bình; các công trình giải tỏa thủy điện khu vực miền Bắc, các nguồn điện năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, các công trình lưới điện đảm bảo cấp điện miền Nam, thành phố Hà Nội và các phụ tải lớn. Tổng vốn đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2020 là 550.852 tỷ đồng, gấp 1,17 lần so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2018, EVN được Fitch Ratings đánh giá và xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở mức BB triển vọng, đây là mức tín nhiệm tích cực đảm bảo EVN có thể thu hút các nhà đầu tư và huy động vốn để đầu tư các dự án điện.

     

    Công tác dịch vụ khách hàng chuyển biến vượt bậc. Các dịch vụ về điện tiếp tục phát triển, đa dạng hóa hình thức cung cấp nhằm tạo sự thuận lợi cho khách hàng và minh bạch trong các giao dịch. Với việc chú trọng ứng dụng công nghệ mới và công nghệ thông tin trong công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng, nên cuối năm 2018, Tập đoàn đã thực hiện cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4, đến cuối năm 2019 đã cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tại 63/63 tỉnh/thành phố. Tổng số khách hàng mua điện trực tiếp từ EVN là 28,03 triệu khách hàng, tăng gần 20% so với năm 2015.

     

    Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có bước đột phá, vươn lên đứng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và thứ 4 khu vực ASEAN, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ. Sau 4 năm, giai đoạn 2016-2019, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam cải thiện 81 bậc, là chỉ số có mức độ cải thiện nhiều nhất và là một trong 3 chỉ số có thứ hạng tốt nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam.

     

    EVN đã hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, hầu hết các hộ dân nông thôn có điện theo Nghị quyết của Đảng, góp phần xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Trong giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn đã đầu tư cấp điện trên 51.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn, vùng biên giới, đồng thời tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp cho 90.160 hộ dân tại 35 xã. Đến cuối năm 2019, 100% số xã trên cả nước có điện và 99,52% số hộ dân (trong đó 99,25% số hộ dân nông thôn) được sử dụng điện. Tập đoàn đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo trên cả nước, đặc biệt đã cấp điện và quản lý vận hành cho huyện đảo Trường Sa, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hoạt động kinh doanh có lãi, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước.

    Bước vào giai đoạn 2016-2020, trước những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính, Tập đoàn đã xây dựng đề án và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, góp phần quan trọng giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn có lãi, nâng cao năng lực tài chính, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhà nước, giá trị nộp ngân sách tăng qua các năm, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức trước 1-2 năm so với kế hoạch 5 năm Chính phủ giao. Doanh thu toàn Tập đoàn tăng bình quân 12,8%/năm; tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng năm tương đương 7,5% chi phí định mức, riêng năm 2020 dự kiến tiết kiệm được 10%. Đến cuối năm 2019, tổng giá trị tài sản toàn Tập đoàn đạt 721.460 tỷ đồng (tăng 12,5% so với năm 2015), trong đó vốn chủ sở hữu là 226.449 tỷ đồng (tăng 21,6%). Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,19 lần, tỷ lệ tự đầu tư 30,7%. Các nhiệm vụ về tối ưu hóa chi phí, chỉ tiêu về tài chính đều đạt và vượt kế hoạch.

     

    Trong công tác sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp, 5 năm qua, Tập đoàn đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành nghề kinh doanh chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản để tập trung vào lĩnh vực hoạt động chính là SXKD điện năng và tư vấn điện. Đồng thời, tập trung triển khai xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020. Về công tác cổ phần hóa, tính đến hết năm 2019, Tập đoàn đã hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3, còn lại 02 Tổng công ty Phát điện 1, 2 đã thực hiện các thủ tục như: hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà đất và phương án sử dụng đất, đã phê duyệt kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa; công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa EVNGENCO2.

     

    Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thông tin vào SXKD được Tập đoàn xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo. Từ năm 2017, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, EVN đã xây dựng Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”. Mục tiêu xây dựng Tập đoàn trở thành Tập đoàn hàng đầu trong khu vực, phát triển bền vững, hiệu quả, ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cuộc CMCN 4.0 cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh - dịch vụ khách hàng, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

     

    Việc triển khai các chương trình an sinh xã hội đối với cộng đồng ngày càng được mở rộng về quy mô, đối tượng, phạm vi hỗ trợ nhưng vẫn đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của quốc gia, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, đã phát huy tối đa hiệu quả, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ năm 2015 đến nay, Tập đoàn đã thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng số tiền gần 930 tỷ đồng.

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline